(GDVN) - Vừa qua nhiều vị nguyên là Bộ trưởng GD&ĐT và rất nhiều
chuyên gia đã có ý kiến về chuyện thi hành Luật giáo dục đại học và Nghị
quyết TW8 về cải cách GD.
|
Ảnh minh họa |
Đã có nhiều ý kiến về lựa chọn khâu đột
phá cho cải cách giáo dục, bằng việc thay đổi kỳ thi tốt nghiệp phổ
thông năm 2014 có thể đây là dấu hiệu cho thấy Bộ chọn khâu thi cử làm
khâu đột phá. Hãy khoan nói đến việc lựa chọn này đã tối ưu chưa, chúng
ta nên xem xét các khâu kỹ thuật mà dự thảo có thể ảnh hưởng đến sự
nghiệp cải cách giáo dục. Có thể là do Bộ vội nên cần huy động “sức mạnh
tập thể”, huy động quyền “làm chủ tập thể” của mọi người để giúp hoàn
thiện phương án?
Nghị quyết TW8 khóa 11 đề ra chủ trương
lấy kết quả thi tốt nghiệp phổ thông làm cơ sở để tuyển sinh CĐ-ĐH. Ai
cũng biết Bộ dự định kéo dài 3 chung đến năm 2017. Vậy tại sao không đưa
phương án thí điểm thi tốt nghiệp theo tinh thần nghị quyết TW8 ngay
trong năm 2014, nói cách khác hãy tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông như
một kỳ thi tuyển sinh CĐ-ĐH trong vòng 1-2 năm (trong khi vẫn tổ chức
thi tuyển sinh 3 chung). Làm được như vậy khong lo chất lượng tuyển sinh
CĐ-ĐH thấp mà lại rút được kinh nghiệm khi chính thức thực hiện.
Bộ mong muốn: “từ nay cho đến khi có
chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ cần một lần này thay đổi phương
án thi tốt nghiệp. Khi triển khai chương trình mới thì sẽ đổi mới
phương thức thi và công nhận tốt nghiệp một cách căn bản theo yêu cầu
của Nghị quyết Trung ương 8” (gddt.vn, 2/1/2014). Vấn đề là khi nào thì
chính thức triển khai chương trình mới?
Xin nêu một vài ý kiến:
Số lượng môn thi
Phương án 1 thí sinh phải thi 4 môn, Bộ
phải chuẩn bị đề thi cho 7 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn trong 5
môn). Phương án 2 thí sinh phải thi 5 môn, Bộ phải chuẩn bị đề cho 8 môn
(3 môn bắt buộc, tự chọn 2 trong 5 môn).
Dù chỉ có 01 thí sinh chọn 1 trong 5 môn
tự chọn Bộ vẫn phải làm các thủ tục ra đề như môn có 1 triệu thí sinh
dự thi, như vậy có tiết kiệm không, có khoa học không?
Đối với thí sinh, thi 4 – 5 môn theo dự
kiến hay 6 môn như cũ sẽ không có thay đổi gì nhiều vì thí sinh đã chuẩn
bị tinh thần thi 6 môn rồi, nay rút bớt thì càng “dễ thở”. Đối với Bộ
phát sinh thêm môn thi chắc chắn sẽ tốn kém hơn ở khâu ra đề, thẩm định,
bảo mật… và càng tốn kém khi phải bố trí giám thị, phòng thi tại các
địa điểm thi. Liệu Bộ có thực hiện ghép nhiều thí sinh thi các môn khác
nhau vào cùng một phòng với chỉ hai giám thị?
Đã phải chuẩn bị ra đề tới 8 môn thi sao
không nghiên cứu kiến nghị của Hiệp hội các trường CĐ-ĐH ngoài công
lập, của nguyên Phó CT nước, nguyên Bộ trường GD&ĐT Nguyễn Thị Bình?
Thiên hạ bảo “cờ ngoài, bài trong”, ở ngoài thì sáng, ở trong thì tối.
Không muốn nghe “cờ ngoài”, cứ khư khư “bài trong” tức là thích chỗ tối,
thích để làm gì?
Chính sách miễn thi
“Sở GD&ĐT căn cứ tỷ lệ miễn thi do
Bộ GD&ĐT quy định, xây dựng phương án miễn thi của địa phương mình”
[1]. Nếu điều này thành hiện thực thì có nghĩa là sẽ có địa phương được
Bộ “cho” tỷ lệ miễn thi cao hơn địa phương khác. Phải chăng đây là cách
để ban phát “lợi ích” và cũng đồng nghĩa với việc muốn tỷ lệ miễn thi
cao một chút thì phải biết cách “kính thưa, kính gửi…”. Phải chăng khi
soạn thảo dự án người ta đã “nhìn xa, thấy rộng”, đã vẽ sẵn đường cho…
“phong bì” chạy?
Dành cho mình quyền quy định tỷ lệ miễn
thi, Bộ cho rằng Bộ có đủ số liệu thống kê? Cứ cho răng Bộ có số liệu
thống kê của các địa phương mấy năm qua thì liệu Bộ có dám khẳng định
các số liệu đó phản ảnh đúng thực tế? Có thể nói ngay rằng con số 20%
học sinh mà Bộ dự kiến miễn thi chỉ phản ánh trí tưởng tượng “phong phú”
của người thảo dự án. Con em đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng
xa, vận động không bỏ học đã là thắng lợi nói gì đến đủ tiêu chuẩn miễn
thi?
Nếu sự trung thực là đặc điểm của ngành
Giáo dục thì đã chẳng có chuyện nhà vệ sinh rộng chừng 30 mét vuông giá
thành lên đến 600.000 đồng, cũng chẳng có chuyện: ‘Bộ GD&ĐT cũng đã
tiến hành thẩm định khoảng 500 hồ sơ quá trình đào tạo tiến sĩ và 150
luận án tiến sĩ. Kết quả cho thấy, khoảng 50% các cơ sở chưa thực hiện
đầy đủ quy trình đào tạo, một số luận án chất lượng thấp. Về liên kết
đào tạo, Bộ GD&ĐT đã thanh tra 9 trường ĐH và xử lý sai phạm với 4
đơn vị”, tỷ lệ này cũng gần 50% [2].
Một “sáng kiến” khác của Bộ không biết
sẽ nhận được bao nhiêu % dư luận tán thành: “các thí sinh có kết quả học
tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản sau:
Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả
các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa
học - kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức
ở cấp quốc gia, quốc tế” [2].
Có lẽ Bộ cho rằng chuyện mua điểm, chạy
điểm chỉ có ở bậc đại học chứ không có ở phổ thông! Hay Bộ cho rằng ngay
năm 2014 Bộ sẽ có phép màu hô biến toàn bộ giáo viên thành Bao Công để
không có chuyện nể nang, châm chước cho con em đồng nghiệp trong trường?
Lại nữa, thi học sinh giỏi các cấp là một tiêu chí miễn thi, vậy chỉ
cần giỏi cấp huyện là “ngon” rồi, nếu có trách thì trước hết phải trách
bên Văn hóa-Thể thao, ai bảo huy chương cấp “ao làng Asean” cũng được
vinh danh ầm ĩ.
Người viết đã từng được nghe giáo viên
khoa Công nghệ Sinh học một trường đại học nói rằng: “khoa chúng cháu
được mệnh danh là nhà trẻ của trường”, hóa ra rất nhiều con em cán bộ
giáo viên trong trường bằng nhiều cách khác nhau đã trở thành giáo viên
khoa này.
Triết lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh” vốn
không phải là cao siêu gì khiến cho các “nguyên khí quốc gia” không thể
tiếp thu được. Vậy tại sao biết là “bệnh” sẽ có cơ hội sinh sôi (hoặc
giả chưa biết thì cũng nên đọc để biết) mà lại không phòng? Hay là Bộ
cố tình đưa ra như vậy để “có đất” cho người dân góp ý, để chuyển hướng
dư luận sang những đề tài bớt “nhạy cảm” hơn?
Thiết nghĩ cần phải loại bỏ ngay từ
trứng nước ý tưởng “Bộ quy định tỷ lệ miễn thi cho các địa phương” nếu
Bộ muốn tránh cho cán bộ của mình nguy cơ phải đứng trước vành móng
ngựa. Tất cả học sinh đều phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp, những người
không tốt nghiệp sẽ được cấp giấy chứng nhận học hết chương trình phổ
thông đề chuyển sang học nghề.
Tổ chức thi như thế nào?
Tổ chức ngay kỳ thi tốt nghiệp năm 2014
theo tinh thần chỉ đạo của TW là cách tốt nhất hiện nay để chủ trương
cải cách giáo dục không phải chờ mấy năm nữa. Vấn đề tiếp theo là thi
mấy môn và thi những môn nào. Người viết cho rằng cần chọn 4 môn bắt
buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và Lịch sử, các môn còn lại sẽ chọn trong 4
môn là Vật lý, Hóa học, Địa lý và Sinh học, riêng các trường khối nghệ
thuật, thể thao sẽ thi thêm các môn năng khiếu. Riêng môn Ngoại ngữ có
thể có những điều chỉnh phù hợp với tình hình dạy và học tại các vùng
miền khác nhau.
Một số chuyên gia không muốn Lịch sử là
môn thi bắt buộc, họ cần phải hiểu rằng người Việt trẻ ngày nay dốt nhất
là Lịch sử. Ngay khi cách mạng chưa thành công Cụ Hồ đã nói: “Dân ta
phải biết sử ta; Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam…”. Gần đây Thứ
trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đã phải nêu ý kiến: “nên cho hoa hậu
học lịch sử trước khi đi thi quốc tế’. Hàng nghìn điểm 0 môn Lịch sử
chẳng lẽ chưa đủ gióng hồi chuông báo động về sự đánh mất bản sắc dân
tộc, hay là chúng ta muốn thay thế người Việt bằng một thế hệ “công dân
toàn cầu” kiểu mới, không nguồn gốc, không biên giới, không tổ quốc?
Không phải là không thể tổ chức một kỳ
thi nghiêm túc nếu sử dụng các biện pháp nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ như
camera ghi hình các buổi thi. Nên biết Công ty cổ phần thương mại
Nguyễn Kim phối hợp cùng với Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN VNPT, Công
ty cổ phần truyền thông Sơn Ca, Công ty TNHH Questek Việt Nam đã có kế
hoạch tài trợ 31.5 tỷ đồng lắp 20.000 camera giám sát cho các trường mẫu
giáo và nhà trẻ toàn quốc. Trên tinh thần đổi mới giáo dục, chẳng lẽ
ngành giáo dục không thể xin được nguồn kinh phí vài chục tỷ cho mục
đích này?
Đổi mới giáo dục không thể thành công
nếu cứ tiếp tục lối nghĩ cũ, nặng về tư duy nhiệm kỳ. Hy vọng lãnh đạo
ngành tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam “cần đổi mới ngay tại
cơ quan Bộ GD&ĐT”, cũng nên lắng nghe những lời khó lọt tai của dư
luận, thận trọng nhưng không có nghĩa là sợ hãi bởi sợ hãi chẳng bao
giờ làm nên sự nghiệp.